Đừng để sự nghiệp quản lý cả bạn
Bạn có biết lý do vì sao một số người rất thành công trong công việc, còn những người khác thì không?
Chúng tôi tổng hợp dưới đây những chia sẻ của các nhà lãnh đạo và quản lý về sự nghiệp của họ, những nỗi sợ hãi thầm kín nhất và những hy vọng cho tương lai mà chúng tôi nghĩ rằng có thể định hình và phát triển sự nghiệp:
1. Tự chịu trách nhiệm về việc quản lý nghề nghiệp của bạn. Đừng chờ đến khi bạn bị sa thải, làm việc kiệt sức hoặc chán nản trong công việc thì bạn mới nghĩ đến chuyện thay đổi công việc. Hãy tự quản lý sự nghiệp của mình, đặc biệt là những lúc công việc vẫn còn tiến triển tốt đẹp. Bạn hãy luôn ghi nhớ rằng “bạn phải chịu trách nhiệm cho tất cả những việc xảy ra trong cuộc đời mình”.
2. Mỗi cuộc gặp mặt và trò chuyện là một buổi phỏng vấn. Mỗi người mà bạn trò chuyện và tiếp xúc đều đánh giá giá trị bản thân bạn. Hãy biến những cuộc nói chuyện này trở nên có ý nghĩa hơn. Và hãy chú tâm và người trò chuyện hơn là chính bản thân bạn nhé.
3. Tập trung vào điểm mạnh của bạn. Hãy làm những việc mà bạn thành thạo nhất, với niềm đam mê tột cùng. Đừng phí thời gian biến điểm yếu của bạn thành điểm mạnh.
4. Đừng tham công tiếc việc. Những người tham công tiếc việc thường hay phải trả giá cho nỗ lực của họ. Thường thì họ sẽ kiệt sức, khó hồi phục và sẽ làm cả những người khác cũng kiệt sức theo. Đảm bảo cân bằng giữa công việc và cuộc sống không hề ảnh hưởng đến thành tích công việc, trái lại nghỉ ngơi hợp lý sẽ làm tăng năng suất làm việc.
5. Tập trung vào việc tự nhận thức và tự quản lý bản thân. Bạn phải biết rõ giá trị của mình và theo đuổi những giá trị này, phải luôn luôn lưu ý đến đời sống tinh thần, ảnh hưởng của bạn đến người khác và học cách kiểm soát cảm xúc và suy nghĩ sẽ là những yếu tố góp phần cho thành công của bạn.
6. Đừng chỉ chú tâm vào bản thân mình. Hãy lắng nghe nhiều hơn, và hạn chế dùng từ “tôi” khi bạn nói chuyện.
7. Không bao giờ được thất nghiệp, dù chỉ một ngày. Nếu như bạn bị sa thải, giảm biên chế, hãy tham gia ngay công việc tình nguyện để tiếp tục nâng cao kỹ năng, kiến thức và thái độ trong công việc. Bạn càng thất nghiệp lâu và không có gì làm thì năng lượng và sự tự tin của bạn sẽ dần bốc hơi.
8. Hãy nhớ câu châm ngôn: “Người ta không quan tâm là bạn biết nhiều hay ít cho đến khi họ biết rằng bạn đã quan tâm họ đến mức nào.” Ngay cả khi bạn biết tất cả các câu trả lời, mọi người vẫn không muốn làm việc cùng bạn nếu như bạn tiếp tục không quan tâm đến họ.
9. Hứa ít và làm nhiều. Các ngôi sao nổi tiếng và vận động viên hoặc CEO thường có những thành tích nổi bật và thu hút được sự quan tâm của công chúng. Tuy nhiên, sự khiêm nhường, tử tế, lòng thương người, và tinh thần vị tha luôn là sự kết hợp hoàn hảo để tạo ra sức ảnh hưởng lâu dài.
10. Tìm người hướng dẫn. Bạn có thể thuê một người hướng dẫn, một người khôn ngoan để tư vấn cho bạn, và tốt nhất nên là người ngoài công ty vì họ sẽ có thể giúp bạn bình tĩnh và giải bày những nỗi sợ hãi, ước mơ và hy vọng, người cũng sẽ giúp bạn đưa ra những quyết định khôn ngoan nhất.
Không có công thức chung nào cho quá trình thành công của mỗi cá nhân. Công việc nào cũng đòi hỏi nỗ lực không ngừng nghỉ, những chiến lược thông minh cùng sự khôn ngoan và phản ứng nhanh trước mọi tình huống. Và những yếu tố này cũng đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự thành công của một doanh nghiệp.
Leave a Reply